100 NĂM BÓNG ĐÁ THÀNH VINH
Ở Việt Nam, bóng đá được cho là đã theo chân những người lính lê dương từ Pháp và các thuộc địa của Pháp đến, vào những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.
Ở Nghệ An, cũng không ngoại lệ. Những năm đầu thế kỷ 20 những người lính tây ở đây được cho là đã chơi bóng. Từ năm 1920, cùng với sự ra đời của Trường Quốc Học Vinh (Collegle de Vinh), thì đội bóng của trường cũng đã được thành lập một năm sau đó. Theo hồi ký của giáo sư Nguyễn Xiển thì đây là đội bóng đầu tiên của người Việt ở Vinh. Đội bóng mang tên “Lam Thành túc cầu đội” (Thời đó và mãi đến những năm 1930 báo chí vẫn gọi là “bóng tròn”, chưa gọi là “bóng đá”). Điều thú vị là thành viên đội bóng này hầu hết là những nhân vật sau này lừng danh trên chính trường và khoa học Việt Nam hiện đại, như Tôn Quang Phiệt, Nguyễn Lợi, Hoàng Xuân Hãn, Đặng Thai Mai...
Bức ảnh kèm theo đây là đội bóng Lam Thành của trường Quốc Học Vinh. Người đứng giữa, khăn đóng, áo dài là Tôn Quang Phiệt (Sau này là Phó Chủ tịch Quốc hội). Ông sinh năm 1900, nhưng 20 tuổi mới học Quốc học Vinh, hơn các bạn cùng lớp đến 3, 4 tuổi và đã có vợ con. Ông là trưởng tràng, nay gọi là ông bầu của đội bóng. Trong đội bóng người nào đen nhất thì đó chính là Giáo sư Đặng Thai Mai, một tiền đạo cứng khi đó. Lam Thành túc cầu đội thường xuyên đá với đội bóng của lính tây và các đội khác trong thành phố. Đặc biệt, đội cũng “mang chuông đi đánh” tận Thanh Hóa, Nam Định…

Ngoài Lam Thành túc cầu đội, ở Vinh khi đó còn có 4, 5 đội bóng khác, như đội của công nhân nhà máy xe lửa Trường Thi, đội của lính tây, đội của cảnh sát…Sau này có thêm đội Lacomec, đội của hội Chữ Thập đỏ. Trên báo Thanh Nghệ Tịnh tân văn những năm 1930 hầu như tuần nào cũng có bài và ảnh tường thuật các trận thi đấu bóng tròn giữa các hội với nhau (Lúc ấy cũng ít khi gọi “đội bóng”, mà thường gọi là “hội bóng”). Nổi tiếng nhất trong các hội bóng tròn ở Vinh khi đó là ASNA. ASNA là viết tắt của chữ “Association sportive Nghe An", có nghĩa là Hội Thể dục Nghệ An, mà báo chí thời đó vẫn gọi là "Nghệ An thể dục hội". Đây là đội bóng gần như đại diện chính của Nghệ An. Những năm 1930 thường xuyên có các trận giao hữu bóng đá giữa ASNA và các đội của Nha Trang, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Hà Nội và Hải Phòng. Hải Phòng hồi đó có đội Olimpic rất nổi tiếng. Ông Trần Xuân, quê Nam Định đi lính cho Pháp, nhưng vì đá bóng giỏi nên được tuyển vào đội Olimpic Hải Phòng. Sau giải ngũ, ông cùng vợ vào Vinh mở quán cơm buôn bán. Nhưng niềm đam mê với trái bóng tròn lại đưa ông đến với ASNA và trở thành một thủ lĩnh lừng danh của đội bóng này những năm 1940. Sau này ông Trần Xuân là Phó ty Thể dục thể thao Nghệ An, người có công xây dựng nền móng cho bóng đá Nghệ An hiện nay. Thời đó ASNA thường xuyên mặc áo vàng, quần trắng. Có lẽ màu vàng của đội Sông Lam Nghệ An ngày nay chính là sự nối tiếp truyền thống của ASNA thuở trước. Sân của ASNA khi đó nằm ngoài khu vực Thành cổ, dọc theo đường Phạm Ngũ Lão, thuộc Khối 8, phường Cửa Nam hiện nay, thường được gọi là "bãi Áo Vàng". Sân Vinh khi đó chưa có khán đài. Qua những bức ảnh còn lại thì thấy có vẻ được bao quanh bằng… rào tre. Những trận đấu bóng ở đây được bán vé để làm từ thiện rất nhiều.
Tuy nhiên, mặc dù có một số hảo thủ tham gia đội tuyển Trung Kỳ, nhưng bóng đá thành Vinh thời kì này chưa có thành tích cao ở Trung Kỳ. Trong các giải đấu họ thường phải nhường bước trước các đội của Huế, Đà Nẵng và Nha Trang.
Phạm Xuân Cẩn (Vinh xưa)