HỒ CHÍ MINH - ĐẸP NHẤT TÊN NGƯỜI
Trong những ngày tháng Năm lịch sử, mỗi người dân Việt Nam đều nhớ đến ngày sinh nhật Bác Hồ kính yêu với tấm lòng trân trọng, biết ơn và thành kính. Đã 53 năm Bác đi xa nhưng sự nghiệp, tư tưởng và tấm gương đạo đức vĩ đại, sáng ngời của Người vẫn sống mãi trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc, trường tồn theo thời gian, mãi mãi tỏa sáng trong hành trình phát triển của nhân dân ta và nhân loại tiến bộ.
Một mùa sen nữa lại về đang tỏa hương thơm ngát giữa những ngày tháng Năm lịch sử, cũng là dịp mỗi người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế tưởng nhớ tới Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ thiên tài, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, người Cha thân yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân anh hùng.
Là lãnh tụ tối cao, nhưng Bác Hồ luôn gần gũi nhân dân. Hằng năm, cứ đến dịp kỷ niệm ngày sinh của mình, Bác thường dặn trước các địa phương, các cơ quan là không nên tổ chức chúc thọ linh đình. Vì Người sợ tốn thời giờ, tiền bạc của nhân dân, trong lúc đời sống và cuộc chiến đấu của nhân dân còn khó khăn, gian khổ. Qua mỗi dịp kỷ niệm ngày sinh nhật của Bác, chúng ta đều thấy một sự giản dị, khiêm tốn đến cao thượng, một nhân cách lớn. Đó là bài học quý giá cho mỗi chúng ta trong bất kỳ giai đoạn lịch sử của đất nước. Là dịp để chúng ta soi vào tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời của Bác, học tập đức tính khiêm tốn, giản dị, mẫu mực của Bác.
79 mùa Xuân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gắn bó và hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng, cho đến hơi thở cuối cùng, Người vẫn tâm niệm: “Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”. Công lao trời biển của Người không chỉ in đậm trong những trang sử hào hùng của dân tộc, mà còn được ghi tạc trong lòng nhân dân và bạn bè tiến bộ quốc tế.
Ngay từ thuở thiếu thời, Người đã chọn cho mình con đường suốt đời phấn đấu, hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Là người đầu tiên và duy nhất tìm thấy con đường cứu nước đúng đắn. Người khẳng định: “Muốn cứu nước, giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”. Trên con đường cách mạng ấy, Người đã chấp nhận mọi hy sinh, sáng suốt hoạch định con đường cách mạng đúng đắn, phù hợp với thực tiễn đất nước và khát vọng cháy bỏng của toàn dân tộc Việt Nam. Để thực hiện mục tiêu ấy, Người đã cùng với Đảng ta đề ra đường lối chiến lược, sách lược đúng đắn, sáng tạo để lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân ta tiến hành thành công Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hoà; kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược thắng lợi, hoàn thành sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt nền móng vững chắc cho nền ngoại giao Việt Nam, đưa Việt Nam từng bước sánh vai với các cường quốc năm châu. Người là biểu tượng lớn và lẽ sống của các dân tộc tiến bộ, yêu chuộng hòa bình trên thế giới, vì thế, tượng và tượng đài tưởng niệm Người hiện được đặt ở 20 quốc gia trên thế giới ở cả châu Á, châu Âu, châu Mỹ và châu Phi, với tất cả lòng kính trọng và ngưỡng mộ!
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm việc mở mang dân trí, chăm lo cho sự nghiệp giáo dục. Người đánh giá rất cao vai trò của giáo dục đối với sự hưng thịnh của đất nước, với nhiệm vụ cực kỳ trọng đại là nâng cao dân đức, mở mang dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài, là động lực của sự phát triển, đưa nước nhà tiến tới giàu mạnh, dân chủ, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu.
Để phát triển nền giáo dục nước nhà, Bác Hồ luôn đề cao sứ mệnh của người thầy giáo. Người viết: “Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản? Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất…, những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh… Nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em nhân dân, thì làm sao mà xây dựng CNXH được? Vì vậy nghề thầy giáo rất là quan trọng, rất là vẻ vang”.
Ðể làm tròn sứ mệnh vẻ vang ấy, người thầy giáo phải có phẩm chất tốt. Bác nhắc nhở: “Giáo viên phải chú ý cả tài, cả đức, tài là văn hóa, chuyên môn, đức là chính trị. Muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức… Cho nên thầy giáo, cô giáo phải gương mẫu, nhất là đối với trẻ con”.
Trong bức thư cuối cùng Bác gửi cho ngành Giáo dục, ngày 15/10/1968, Bác Hồ nhắc lại các thầy, cô giáo, công nhân viên, học sinh, sinh viên 3 điểm sau: Thứ nhất, thầy và trò phải luôn luôn nâng cao tinh thần yêu Tổ quốc, yêu chủ nghĩa xã hội, tǎng cường tình cảm cách mạng đối với công nông, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng, triệt để tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sẵn sàng nhận bất kỳ nhiệm vụ nào mà Đảng và Nhân dân giao cho, luôn luôn cố gắng cho xứng đáng với đồng bào miền Nam anh hùng; Thứ hai, dù khó khǎn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt. Trên nền tảng giáo dục chính trị và lãnh đạo tư tuởng tốt, phải phấn đấu nâng cao chất lượng vǎn hoá và chuyên môn nhằm thiết thực giải quyết các vấn đề do cách mạng nước ta đề ra và trong một thời gian không xa, đạt những đỉnh cao của khoa học và kỹ thuật; Thứ ba, các cô các chú, các cháu phải cùng nhau tổ chức và quản lý đời sống vật chất và tinh thần ở các trường học ngày một tốt hơn, tǎng cường bảo đảm sức khoẻ và an toàn. Đề cao sứ mệnh của thầy cô giáo, trong thư Bác viết: “Nhiệm vụ của cô giáo, thầy giáo là rất quan trọng và rất vẻ vang”.
Thấm nhuần tư tưởng và lời dạy của Bác, Đảng và Nhà nước ta đã và đang hết sức coi trọng sự nghiệp giáo dục. Năm 1982 đã lấy ngày 20/11 hàng năm làm “Ngày Nhà giáo Việt Nam”, thông qua nhiều chính sách nhằm hỗ trợ, quan tâm và tạo điều kiện cho đông đảo đội ngũ thầy giáo, cô giáo được đào tạo chính quy, nâng cao chất lượng đời sống để các thầy giáo, cô giáo yên tâm công tác.
Không chỉ riêng với sự nghiệp giáo dục mà với mỗi người dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là tấm gương sáng ngời, mẫu mực về tư tưởng, đạo đức, tác phong trong công việc và cuộc sống hàng ngày, đời riêng trong sáng, nếp sống giản dị, đức tính khiêm nhường, luôn “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, đã toát lên cốt cách giản dị, gần gũi nhưng hết sức cao thượng, vĩ đại của Người.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa, nhưng Người vẫn sống mãi trong trái tim mỗi người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế. Tư tưởng của Người mãi là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng; đạo đức và phong cách của Người mãi mãi là tấm gương sáng, là nguồn cổ vũ vô tận, dẫn dắt nhân dân ta vững bước trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.
Chào mừng kỷ niệm 132 năm ngày sinh nhật Bác (19/5/1890 - 19/5/2022), là dịp để cán bộ, giáo viên, học sinh trường THPT Huỳnh Thúc Kháng tri ân sâu sắc công lao vĩ đại, ôn lại những bài học vô giá và tấm gương sáng ngời, mẫu mực về tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người, để tiếp tục phát huy truyền thống “Trung thành, sáng tạo, đoàn kết, vượt khó, dạy tốt, học tốt”; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, để Người sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta.
Hoàng Bạch Tuyết